Đây là những thủ tục hành chính bạn cần làm khi vừa đặt chân đến Pháp !
ĐỪNG QUÊN HOÀN THÀNH CÁC THỦ TỤC BẮT BUỘC SAU :
- Đóng phí CVEC (Đóng góp xây dựng đời sống và môi trường học tập của sinh viên)
- Ghi danh vào trường (làm thủ tục nhập học hành chính)
- Xin thị thực dài hạn sinh viên VLS-TS (nếu được)
- Đăng kí bảo hiểm xã hội
MỞ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG
Đơn vị tiền tệ tại Pháp là euro, giống như 19 nước còn lại trong khối Liên minh châu Âu.
1 € có giá trị tương đương khoảng 27 000 VND.
Khi thanh toán thường trả bằng tiền mặt hoặc bằng thẻ ngân hàng. Thi thoảng người ta cũng sử dụng séc (ví dụ như khi đặt cọc). Ở một số cửa hàng, bạn cần phải mua hàng tối thiểu 15 € để được thanh toán bằng thẻ.
Một trong những thứ đầu tiên bạn cần làm khi đến Pháp là mở một tài khoản ngân hàng. Bạn cần phải qua bước này trước rồi mới có thể làm các thủ tục quan trọng tiếp theo như đăng kí mạng thuê bao điện thoại và internet hay xin hỗ trợ thuê nhà, v.v…
Sở hữu tài khoản ngân hàng là một quyền được công nhận bởi luật pháp tại Pháp. Một sinh viên đang cư trú tại Pháp có thể mở tài khoản ở bất kì ngân hàng nào tại đây. Các hãng ngân hàng khác nhau đều có chi nhánh đại diện ở hầu hết các thành phố ; bạn chỉ việc tìm đến một chi nhánh và đặt hẹn với một nhân viên tư vấn.
Khi mở tài khoản ngân hàng, bạn sẽ nhận được một RIB (Thông tin tài khoản ngân hàng). Thông tin này cần thiết cho tất cả những lần thanh toán và rút tiền bên ngoài từ tài khoản ngân hàng (rót tiền lương, cho phép trích tiền từ hoá đơn của bạn…).
Để mở tài khoản, bạn cần có :
- Đăng kí ghi danh cấp bởi trường
- Chứng minh nơi ở (chứng nhận CROUS, hoá đơn EDF, chứng nhận chỗ ở…)
- Hộ chiếu (thẻ căn cước)
Nếu đã có 3 loại giấy tờ này, bạn chỉ cần chọn ngân hàng nữa là xong ! Tất cả các ngân hàng đều có những mức phí ưu đãi cho sinh viên.
Hãy thử liên lạc với ngân hàng bạn quen dùng tại Việt Nam trước khi sang. Họ có thể có liên kết với một hãng ngân hàng tại Pháp và điều đó sẽ giúp cho việc mở tài khoản tại Pháp cũng như chuyển tiền dễ dàng hơn.
Làm gì trong trường hợp làm mất/ bị trộm mất thẻ ngân hàng ?
Hãy chặn thẻ ngân hàng bằng cách gọi ngay cho ngân hàng của bạn. Luôn luôn giữ số của ngân hàng trong ví hoặc trong điện thoại di động của bạn!
ĐĂNG KÍ MẠNG THUÊ BAO ĐIỆN THOẠI VÀ/HOẶC MẠNG INTERNET
Các mạng thuê bao điện thoại và internet chủ yếu tại Pháp là : Orange, SFR, Bouygues Télécom, Free, v.v…
Các công ty này đôi khi còn có cả các công ty con cung cấp mạng với mức giá rẻ hơn (nhưng dịch vụ khách hàng hạn chế hơn) như Sosh (Orange), B&YOU (Bouygues), RED (SFR), v.v..
Có 2 cách thức thanh toán : gói trả hàng tháng (có hoặc không cam kết) và thẻ trả trước. Thường giá sẽ rẻ hơn nếu bạn trả theo gói hàng tháng.
Bạn có thể đăng kí gói di động hoặc gói gộp cả thuê bao di động và mạng internet. Gói di động thường giá từ 2€ đến 20€ còn gói di động +internet có giá từ 15€ đến 40€.
Để được nhận thẻ sim và thẻ trả trước, bạn cần phải xuất trình hộ chiếu ; để đăng kí gói theo tháng, cần phải có hộ chiếu và RIB (thông tin tài khoản ngân hàng).
CÁC THỦ TỤC BẢO HIỂM
Luật pháp tại Pháp có một số quy định nhất định về thủ tục bảo hiểm. Ví dụ như việc tất cả các sinh viên (bất kể là sinh viên Pháp hay sinh viên quốc tế) đều phải đăng kí bảo hiểm xã hội. Ngoài ra thì nhà ở – dù là loại hình nhà ở nào – cũng phải được bảo hiểm. Các thủ tục bảo hiểm này sẽ được tiến hành với các công ty bảo hiểm tư nhân.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự
Bảo hiểm này chịu trách nhiệm cho những hư tổn vật chất hay thương tích cơ thể gây ra bởi một bên thứ 3 mà có thể là sự sơ suất, thiếu cẩn trọng, con trẻ hay người phụ trách, thú nuôi hay bất cứ thứ gì dưới trách nhiệm của bạn. Nếu không có bảo hiểm này, bạn sẽ phải tự mình chịu bồi thường cho nạn nhân.
Bảo hiểm trách nhiệm dân sự cũng nằm trong những loại thủ tục bảo hiểm cư trú (là bảo hiểm bắt buộc). Hãy nhớ kiểm tra kĩ khi đăng kí bảo hiểm.
Bảo hiểm cư trú, rủi ro thuê nhà
Ở Pháp, nhà ở cũng bắt buộc phải được bảo hiểm : phòng trường hợp lũ lụt hay hoả hoạn. Người thuê nhà sẽ phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà họ đã gây ra trong thời gian thuê, vậy nên chính người thuê nhà sẽ phải đóng bảo hiểm (chứ không phải chủ nhà cho thuê). Bảo hiểm sẽ chịu chi phí sửa chữa lại những thiệt hại đã gây ra.
Tuy nhiên người ta cũng khuyến khích đăng kí thêm một loại bảo hiểm bổ sung là bảo hiểm chỗ ở toàn diện, trong đó cung cấp các lợi ích tương tự như bảo hiểm rủi ro thuê nhà nhưng thêm cả chi phí đền bù tài sản của bạn trong trường hợp nhà xuống cấp hoặc trộm cắp.
Bảo hiểm phương tiện giao thông
Ở Pháp, bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm phương tiện giao thông đối với bất kỳ phương tiện nào được lưu hành. Bảo hiểm này không chỉ hỗ trợ tài chính trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông đường bộ mà còn cho cả các thiệt hại xảy ra ngoài giao thông.
CÁC DỊCH VỤ ĐÓN TIẾP
Các dịch vụ tiếp đón hay “guichets uniques” (qua một cửa duy nhất) là những công cụ mở ra mỗi mùa tưu trường để giúp các sinh viên quốc tế hoà nhập với cuộc sống tại Pháp. Các dịch vụ này đều được đảm bảo bởi các cơ quan khác nhau (Sở cảnh sát, CAF, OFII, CROUS). Các cơ quan này có vai trò đón tiếp các sinh viên quốc tế.
Các dịch vụ này sẽ giúp bạn hoàn thành các thủ tục hành chính dễ dàng hơn ! Ngoài ra các guichets uniques này cũng có thể giúp bạn tìm chỗ ở, hẹn khám sức khoẻ, khám phá cuộc sống học đường và văn hoá của trường bạn…
Lưu ý rằng các dịch vụ này chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định. Họ thường mở vào đầu năm học, vậy nên hãy tham khảo trên trang web của trường bạn để biết thời gian chi tiết. Đừng quên rằng có một số trường yêu cầu sinh viên phải đặt hẹn và đăng kí trước qua mạng mới được dùng dịch vụ này !
Hãy tìm hiểu thêm thông tin về đón tiếp sinh viên ở các thành phố tại Pháp
Ngoài ra cũng có các trung tâm đón tiếp của Euraxess cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các nghiên cứu sinh du học.