1. Chọn nước Pháp
Hơn 310.000 sinh viên quốc tế đang học tập tại Pháp, trong có đó 7000 sinh viên Việt Nam. Mỗi năm, gần 2000 sinh viên Việt Nam chọn Pháp để du học. Học tập tại Pháp, ở các trường Đại học hay các Grandes Écoles, được hưởng rất nhiều ưu đãi và nhất là được học tập một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới. Dù bạn học ngành nào, bạn cũng sẽ được học tập và làm việc với các giảng viên – chuyên gia nhiệt huyết với nghề và đầy kinh nghiệm.
GIÁO DỤC ĐẠI HỌC PHÁP CHẤT LƯỢNG CAO, ĐƯỢC NHÀ NƯỚC ĐẢM BẢO.
NỀN GIÁO DỤC MỞ, TẠO CƠ HỘI HỌC TẬP CHO SINH VIÊN QUỐC TẾ
CHI PHÍ HỌC TẬP Ở MỨC HỢP LÝ
ĐÀO TẠO HƯỚNG NGHIỆP
NỀN GIÁO DỤC ĐỀ CAO NGHIÊN CỨU
2. Nước Pháp, Trung tâm của Châu Âu
CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG ĐƯỢC ĐẢM BẢO
Nhiều hỗ trợ và chính sách giảm giá trong nhiều lĩnh vực liên quan đến mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngày, giúp sinh viên có được cuộc sống chất lượng cao: hệ thống y tế hiện đại, mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả, hỗ trợ nhà ở, nhà ăn sinh viên,… Ngoài các thành phố, sự đa dạng về cảnh quan hiếm thấy, từ các bờ biển cho đến các dãy núi, hoàn toàn phù hợp cho mọi loại hình giải trí.
VĂN HÓA NĂNG ĐỘNG VÀ ĐẦY QUYẾN RŨ
Từ xưa, Pháp được gọi là “Trung tâm văn hóa của Châu Âu”. Văn học, điện ảnh, bảo tàng, sân khấu, opera, cà phê,… có mặt trong cuộc sống hằng ngày và khẳng định vai trò quan trọng của nước Pháp trong lĩnh vực văn hóa. Trong suốt cả năm, đặc biệt là vào dịp hè, nhiều hoạt động văn hóa thể hiện sự năng động ấy và sự mở cửa với các nền văn hóa khác trên thế giới.
PHÁP NGỮ, CÁNH CỬA MỞ RA THẾ GIỚI
Tiếng Pháp, là ngôn ngữ chung của hơn 274 triệu người trên thế giới, là ngôn ngữ chính thức của 32 quốc gia nằm trên khắp 5 châu. Cùng với tiếng Anh và và tiếng Đức, tiếng Pháp là ngôn ngữ làm việc của Liên minh Châu Âu với ba thủ phủ là Bruxelles, Luxembourg và Strasbourg đều nói tiếng Pháp. Ngoài ra, tiếng Pháp còn là một trong số 6 ngôn ngữ làm việc của Liên hiệp quốc, một trong hai ngôn ngữ chính thức của Olympique quốc tế.
3. Giáo dục Đại học pháp
3.1. Các văn bằng
HỆ THỐNG BẰNG CẤP L-M-D
Giáo dục Đại học Pháp được cấu trúc quanh hệ thống LMD (Cử nhân – Thạc sĩ – Tiến sĩ). Phần lớn các bằng cấp của Pháp cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ ECTS được công nhận bởi nhiều nước trong Liên minh Châu Âu và trên thế giới.
Một tấm bằng bậc Cử nhân yêu cầu sinh viên phải hoàn thành 6 học kì, tức 180 tín chỉ ECTS. Thêm 4 học kì nữa để lấy được bằng Thạc sĩ, tức thêm 120 tín chỉ ECTS. Bằng Tiến sĩ sẽ được nhận sau 16 học kì tất cả, với tổng cộng 480 tín chỉ ECTS trong vòng ít nhất 8 năm học tính từ năm đầu bậc cử nhân.
- Cử nhân = 6 học kỳ = 180 ECTS
(TN THPT + 3 năm học)
- Thạc sĩ = 10 học kỳ = 300 ECTS
(TN THPT + 5 năm học)
- Tiến sĩ = 16 học kỳ = 480 ECTS
(TN THPT + 8 năm học)
*ECTS (Hệ thống chuyển đổi tín chỉ Châu Âu), tạm gọi là tín chỉ đã hoàn thành, được tích lũy sau mỗi học kỳ hay năm học, có thể chuyển đổi giữa các trường đại học trong phạm vi châu Âu. Một năm hoàn thành tương đương 60 ECTS.
HỆ THỐNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC PHÁP
3.2. Các cơ sở đào tạo Đại học
CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP (Universités)
Trường Đại học Tổng hợp đào tạo tất cả các ngành: Khoa học (Toán, Hóa học, Sinh học…), các ngành Công nghệ (Tin học, Khoa học, Kỹ sư, Điện tử, Vật liệu…), Văn chương, Ngôn ngữ, Nghệ thuật, Luật, Kinh tế, Quản lý, Y học, Thể thao.
ĐÀO TẠO LUẬT
Luật là ngành được đào tạo trong các Đại học Tổng hợp, tại khoa Luật hay UFR Luật, không chỉ đào tạo các nghề tư pháp như Luật sư, Người ủy nhiệm, Công chứng viên, Nhân viên tòa án,… mà còn đào tạo các Luật gia chuyên nghiệp trong mọi lĩnh vực hoạt động.
ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH Y DƯỢC
Thời gian đào tạo y-dược:
- Bác sĩ đa khoa: Tú tài + 9 năm
- Bác sĩ chuyên khoa: Tú tài + 11 năm học
- Sản phụ khoa: Tú tài + 5 năm học
- Dược: Tú tài + 6-9 năm học
- Bậc 3 đối với bác sĩ phẫu thuật – Nha sĩ: Tú tài + 6 năm đến Tú tài + 8 năm hoặc 9 năm học.
CÁC TRƯỜNG KĨ SƯ
Mỗi năm có khoảng 30.000 sinh viên tốt nghiệp từ 227 trường Kĩ sư ở Pháp. Chỉ có trường được Ủy ban Học vị Kĩ sư (CTI) cấp phép mới được cấp Học vị Kĩ sư. Học vị Kĩ sư là một bằng quốc gia có giá trị tương đương bậc Thạc sĩ. Học vị Kĩ sư là một chương trình đào tạo nghề cấp bằng tương đương bậc Thạc sĩ và cho phép đăng ký làm Nghiên cứu sinh.
CÁC TRƯỜNG BÁCH KHOA
Trường Bách khoa có chương trình đào tạo đa ngành dựa trên Khoa học và Kĩ thuật. Trường có 3 giai đoạn đào tạo: Kĩ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Đối với trường Sư phạm và Bách Khoa, học sinh và sinh viên Pháp được hưởng thù lao đổi lại phải cam kết làm việc phục vụ cho Nhà nước ít nhất 10 năm. Học sinh nước ngoài không thuộc khối Liên minh Châu Âu phải nộp học phí.
CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM (ENS)
Ở Pháp có 4 ENS
- ENS Paris nằm ở Ulm tuyển sinh trong tất cả các chuyên ngành Khoa học, Văn học và Khoa học Xã hội và Nhân văn.
- Paris-Saclay đào tạo sinh viên Khoa học cơ bản, Kỹ sư và Khoa học Xã hội và Nhân văn.
- ENS de Rennes đào tạo về Kinh tế – Quản lý – Luật, Viễn thông, Toán học, Khoa học Thể thao và Giáo dục thể chất.
- ENS de Lyon đào tạo về Nhân văn và các Khoa học.
CÁC TRƯỜNG QUẢN TRỊ KINH DOANH – THƯƠNG MẠI
Các trường Thương mại có chương trình đào tạo ở diện rộng, cho ra nhiều nghề trong nhiều lĩnh vực đa dạng: Marketing, Quảng cáo, Truyền thông, Kiểm toán, Tư vấn, Quản lý, Quản trị, Quản trị nhân lực, Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm,…
CÁC TRƯỜNG KĨ SƯ NÔNG HỌC
Chương trình đào tạo có thể kéo dài 3 hoặc 5 năm tùy theo từng trường, cấp bằng Kĩ sư
Nông học có giá trị tương đương bậc Thạc sĩ.
CÁC TRƯỜNG THÚ Y QUỐC GIA
Bốn trường Thú y đều là trường quốc gia (Lyon, Maison-Alfort, Nantes và Toulouse) đào tạo các bằng Bác sĩ Thú y Quốc gia, là bắt buộc để hành nghề.
Chương trình đào tạo kéo dài 5 năm, trong đó 4 năm học chung và 1 năm học chuyên sâu. Các chuyên ngành gồm: Phẫu thuật Động vật, Sản xuất Sữa và Bệnh học Nhiệt đới.
CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC
Đào tạo Kiến trúc tại Pháp cũng nằm trong hệ thống đào tạo theo cấu trúc L-M-D:
- Bậc 1: thời gian đào tạo 3 năm, cấp bằng Đại học Kiến trúc tương đương bậc Cử nhân.
- Bậc 2: thời gian đào tạo 2 năm, cấp bằng Kiến trúc sư nhà nước tương đương bậc Thạc sĩ.
- HMONP được cấp khi hoàn thành năm học thứ sáu có kèm thực tập, là bằng duy nhất cho phép Kiến trúc sư xin giấy phép xây dựng tại Pháp.
CÁC TRƯỜNG VÀ VIỆN ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH
Hơn 3000 trường và viện đào tạo chuyên ngành, bao gồm cả công lập và tư thục, bổ sung thêm vào hệ thống đào tạo Đại học của Pháp trong nhiều lĩnh vực rất đặc thù: các công việc xã hội và cận Y học, Du lịch,…
CÁC HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ (IEP)
Bằng của IEP được cấp sau khi hoàn thành 5 năm học, tương đương bậc Thạc sĩ. Chương trình học được chia thành 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: 3 năm gồm giai đoạn chung đại cương và đa ngành gồm có học kì ở nước ngoài và thực tập.
- Giai đoạn 2: 2 năm chuyên ngành và hướng nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau: Nghề nghiệp công, Truyền thông và Văn hóa, Luật, Khảo sát và Giáo dục, Quản lý-Kinh tế, Quan hệ Quốc tế, Y tế và Xã hội.
4. Xây dựng chương trình du học
4.1. Lựa chọn chương trình đào tạo
Có rất nhiều công cụ có thể giúp bạn chọn được một chương trình đào tạo phù hợp với trình độ và ngành học của mình trong hệ thống giáo dục Đại học Pháp. Đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể tham khảo danh mục các chương trình trên trang web của Campus France: www.vietnam.campusfrance.org
4.2. Các câu hỏi đặt ra
NHỮNG ĐIỀU KIỆN DỰ TUYỂN DU HỌC PHÁP ?
Bạn cần đáp ứng những điều kiện sau :
- đã có bằng Tốt nghiệp THPT Việt Nam
- có kết quả thi Đại học (hay kết quả kì thi tốt nghiệp THPT) đủ để ghi danh vào một trường Đại học ở Việt Nam.
CHỌN NGÀNH NÀO ? ĐỂ LÀM NGHỀ GÌ HAY VỚI MỤC ĐÍCH GÌ ?
Hãy chú trọng vào những lĩnh vực mà bạn quan tâm và cơ hội nghề nghiệp trong những lĩnh vực đó. Suy nghĩ kĩ dựa trên những kinh nghiệm cá nhân hoặc chuyên môn và/hoặc dựa vào những môn học mà bạn thích lúc còn ở THPT hay học ĐH, thậm chí là ngoài trường học. Kế hoạch của bạn cần phải hợp lý, tốt nhất là nối tiếp với quá trình học tập và làm việc từ trước của bạn.
HỌC BẰNG TIẾNG PHÁP HAY TIẾNG ANH ?
Bạn hoàn toàn có thể học bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh.
Học bằng tiếng Pháp
Bạn cần tự ý thức được trình độ nghe hiểu và diễn đạt tiếng Pháp của mình. Có trình độ tiếng Pháp tốt sẽ giúp bạn dễ thành công hơn và thoải mái thuận tiện hơn trong đời sống thường nhật. Để học chương trình bằng tiếng Pháp, bạn cần phải chứng minh trình độ tiếng qua chứng chỉ tiếng Pháp TCF. Hãy tìm hiểu các điều kiện về ngoại ngữ ở những trường mà bạn muốn dự tuyển nhé !
Học bằng tiếng Anh
Có tới hơn 1300 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tại Pháp. Phần lớn các chương trình này được giảng dạy ở bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ, tuy nhiên vẫn có những chương trình Cử nhân hay Bachelor.
Cũng tương tự như tiếng Pháp, bạn nên có trình độ tiếng Anh tốt khi quyết định dự tuyển, và đã thi một chứng chỉ tiếng Anh (IELTS, TOEIC, TOEFL…) để đủ điều kiện dự tuyển. Hãy tìm hiểu các điều kiện về ngoại ngữ ở những trường mà bạn muốn dự tuyển nhé !
Các bạn sinh viên đã có bằng tốt nghiệp một chương trình dạy bằng tiếng Anh sẽ được miễn kiểm tra trình độ tiếng Anh.
4.3. Tài chính du học
HỌC PHÍ Ở CÁC TRƯỜNG CÔNG LẬP
Theo chiến lược mới của chính phủ, được đặt tên là “Bienvenue en France!”, phí ghi danh tại các đại học tổng hợp đối với sinh viên quốc tế có thay đổi từ năm học 2019-2020 như sau:
- 2770 € một năm đối với bậc Cử nhân ;
- 3770 € một năm đối với bậc Thạc sĩ.
Không phải trả học phí trong các trường hợp…
- Sinh viên đến Pháp theo dạng liên kết giữa các trường đại học đã được miễn hoàn toàn học phí (đặc biệt là các chương trình trao đổi Erasmus+) ;
- Sinh viên nhận học bổng chính phủ Pháp (BGF)
- Sinh viên nhận học bổng của trường mà họ theo học, đã miễn trừ hoàn toàn học phí.
5. Các quy trình
I. CÁC VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC KHI ĐẾN PHÁP
1. Du học ngắn hạn
Các trường của Pháp có hơn hai trăm khóa học ngắn hạn trong suốt năm, nhưng chủ yếu vào mùa hè, bao gồm : các khóa học tiếng, các khóa học chuyên ngành về rất nhiều ngành nghề như: ẩm thực, thời trang, nghệ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn hóa, marketing, truyền thông hay tin học…
Để du học ngắn hạn, hãy:
● Liên hệ trực tiếp các trường để đăng ký khóa học
● Xin visa du lịch bằng cách khai form tại: https://france-visas.gouv.fr/web/france-visas/
Sau đó đặt hẹn với trung tâm TLSContact, bộ phận trung gian của Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán ở TP. Hồ Chí Minh, để nộp hồ sơ giấy và thu thập dữ liệu sinh trắc học.
2. Du học dài hạn
Bạn có thể lựa chọn :
● Học một chương trình cấp bằng
● Học tiếng pháp tại Pháp
● Chương trình trao đổi…
Để thực hiện một kế hoạch du học dài hạn tức là từ 90 ngày trở lên, bạn cần :
● Thi chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Pháp hoặc tiếng Anh (Tùy yêu cầu của chương trình học)
● Phỏng vấn với văn phòng Campus France tại Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh
● Dự tuyển bằng ứng dụng Etudes en France hoặc trực tiếp với các trường
● Nộp hồ sơ xin visa sinh viên VLS-TS
II. CHUẨN BỊ CHO HÀNH TRÌNH ĐẾN PHÁP
1. Tìm nhà ở tại Pháp
Lý tưởng nhất là bạn tìm được một chỗ ở dài hạn trước khi sang Pháp, tuy nhiên việc đó không hề dễ dàng vì bạn cần phải xem kĩ nhà trước khi thuê, cần có bảo lãnh để thuê được nhà, và rất nhiều thủ tục khác. Nhưng nếu bạn không tìm được một chỗ ở dài hạn, hãy tìm cho mình một chỗ ở tạm thời để nộp hồ sơ thị thực và ở trong những ngày đầu tới Pháp trong khi tìm được một chỗ ở phù hợp.
2. Chuẩn bị lên đường
2.1. Mua vé máy bay
Hãng hàng không quốc gia Vietnam (Vietnam Airlines) có đường bay thẳng từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sang Paris (Pháp). Nằm trong liên minh hàng không SkyTeam và liên kết với hãng đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), nên sinh viên có thể mua từ Việt Nam vé cho chặng chuyển tiếp của AirFrance hoặc SNCF đến khắp các địa điểm trên toàn nước Pháp. Hằng năm, Vietnam Airlines triển khai nhiều chương trình ưu đãi dành
cho sinh viên du học Pháp.
2.2. Hành lý mang theo (Checklist đính kèm ở cuối sổ)
a. Giấy tờ
Lưu ý:
1 – Tất cả các giấy tờ được dịch sang tiếng Pháp nên là bản dịch của Viện Pháp tại Việt Nam, đặc biệt là giấy khai sinh (để thuận tiện hơn trong quá trình làm thẻ cư trú hay còn gọi là “titre de séjour”).
2 – Các bạn nên scan tất cả bản gốc, bản dịch công chứng của các loại giấy tờ và lưu vào 1 chiếc USB, thẻ nhớ hoặc lưu trên mạng để khi cần có thể in ra luôn. Không mang theo bản gốc để đề phòng thất lạc và không cần mang theo CMND/CCCD.
b. Đồ dùng
Pháp không thiếu gì cả nhưng thời gian đầu, còn bỡ ngỡ và chưa quen với sự chênh lệch về giá cả, nên các bạn vẫn nên chuẩn bị một vài thứ thiết yếu (checklist ở cuối sổ)
3. Di chuyển từ sân bay về nơi ở
3.1. Sân bay Charles de Gaulle
Sân bay Charles de Gaulle là sân bay đứng đầu tại châu Âu về số chuyến bay và thứ hai về lượng hành khách chuyên chở. Đây là sân bay với:
● Ba nhà ga (trạm/ Terminal) hành khách
● 1 ga tàu cao tốc (tàu TGV)
3.2. Các trạm xuống (terminal) ở Charles de Gaulle :
Các trạm xuống tại Charles de Gaulle : Sân bay có 3 Terminal chính :
● Charles de Gaulle 1 với Terminal 1 & Terminal 3
● Charles de Gaulle 2 với Terminal 2 A, B, C, D, E, F, G.
3.3. Tới Pháp an toàn: Lưu ý về thất lạc hành lý và nạn trộm cắp
● Nạn trộm cắp, xin tiền
● Mất đồ
● Hành lý ký gửi bị thất lạc
III. THỦ TỤC KHI ĐẾN PHÁP
1. Đăng ký nhập học
Khi đăng ký nhập học, ngoài các giấy tờ yêu cầu, bạn sẽ phải đóng phí ghi danh hoặc/và học phí (frais d’inscription et/ou frais de scolarité) và các phí không bắt buộc khác như phí sử dụng phòng tập và tham gia các hoạt động thể thao, phí truy cập cơ sở dữ liệu của trường.
2. Mở tài khoản ngân hàng
Tài khoản ngân hàng của bạn sẽ được dùng để nhận tiền gia đình gửi từ Việt Nam, nhận học bổng, nhận tiền hỗ trợ thuê nhà, nhận tiền bồi thường bảo hiểm…
Đặc biệt là đăng ký sử dụng thuê bao điện thoại trả trước (giá hợp lý hơn so với thuê bao trả sau), chi phí nhập học và mua sắm nói chung.
3. Đăng ký thuê bao di động
Sau khi đến Pháp, để thuận tiện trong việc mở tài khoản ngân hàng hoặc làm thẻ lưu trú (titre de séjour) thì các bạn cần cung cấp số điện thoại di động của bản thân để nhận được thông báo hoặc được liên hệ khi cần thiết.
IV. HỒ SƠ THỊ THỰC
Tất cả sinh viên Việt Nam hoặc sinh viên nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam đều cần phải xin thị thực dài hạn (VLS) để sang Pháp du học nếu thời gian lưu trú trên 3 tháng. Hồ sơ xin thị thực sẽ được nộp tại bộ phận TLSContact tại Hà Nội hoặc tp Hồ Chí Minh. Quy trình Etudes en France (EEF) là quy trình bắt buộc trước khi xin thị thực sinh viên.
THỊ THỰC DÀI HẠN SINH VIÊN – CÓ GIÁ TRỊ NHƯ THẺ LƯU TRÚ (VLS-TS)
Thủ tục này dành cho những sinh viên cần xin thị thực dài hạn – có giá trị như thẻ lưu trú để theo học một chương trình có thời hạn trên 6 tháng tại một trường Đại học ở Pháp. Loại thị thực này sẽ có giá trị như thẻ lưu trú trong khoảng thời gian có hiệu lực. Việc xác nhận visa VLS-TS có giá trị như Thẻ cư trú sẽ được thực hiện trực tuyến.
Ghi chú : Các sinh viên chưa đủ 18 tuổi khi đặt chân đến Pháp sẽ phải yêu cầu loại thị thực dành cho trẻ vị thành niên, và sẽ phải được thực hiện trong vòng 2 tháng đầu tiên ngay sau khi đủ 18 tuổi.
THỊ THỰC DÀI HẠN DÀNH CHO NGHIÊN CỨU SINH-NHÀ KHOA HỌC ( TRÊN 3 THÁNG)
Loại thị thực này cho phép người sở hữu thực hiện các hoạt động nghiên cứu hoặc giảng dạy ở Pháp trong khuôn khổ một thỏa thuận tiếp nhận của một đơn vị nghiên cứu hay cơ sở giáo dục đại học công lập hoặc tư nhân. Với thỏa thuận tiếp nhận này, người sở hữu sẽ không thực hiện quy trình EEF và phải yêu cầu loại thị thực « nghiên cứu sinh-nhà khoa học » (sẽ không có thị thực sinh viên được cấp trong trường hợp này).
THỊ THỰC NGẮN HẠN DÀNH CHO « SINH VIÊN ĐI THI »
Loại thị thực này cho phép sinh viên đến Pháp để tham gia một buổi phỏng vấn hoặc một kỳ thi tuyển vào một trường Đại học. Thị thực này cho phép sinh viên được yêu cầu, tại Pháp, « thẻ lưu trú » để có thể tiếp tục theo học tại một cơ sở giáo dục đại học, trong trường hợp thi đỗ. Loại thị thực này yêu cầu sinh viên phải thực hiện quy trình EEF trước khi nộp hồ sơ xin thị thực.
THỊ THỰC NGẮN HẠN (DƯỚI 3 THÁNG), CÓ GHI «VISA SCHENGEN»
Loại thị thực này không cho phép gia hạn để có được thẻ lưu trú tại Pháp. Các sinh viên có mong muốn theo học một khóa ngôn ngữ hoặc tất cả những chương trình đào tạo ngắn hạn khác sẽ phải yêu cầu loại thị thực này. Trong trường hợp đó, sinh viên sẽ không phải thực hiện quy trình EEF.
Ghi chú : Thị thực Schengen, dù như thế nào, cũng sẽ không được chuyển đổi thành thị thực sinh viên, dù ở tại Pháp hay tại bất cứ quốc gia nào thuộc Liên Minh châu Âu.
6. Sống tại Pháp
6.1. Nhà ở tại Pháp
a. Có nhiều loại hình nhà ở khác nhau cho sinh viên ở Pháp, tùy theo khả năng tài chính của mình, bạn có thể chọn thuê một căn hộ hoặc một phòng phù hợp với túi tiền và sở thích. Có 2 hình thức thuê nhà chính:
Ký túc xá | Thuê nhà tư nhân |
● CROUS (Centre Régional des Oeuvres Universitaires et Scolaires): Ký túc xá được viện trợ bởi chính phủ Pháp, là nơi được các bạn sinh viên tìm đến nhiều nhất nhưng số lượng giới hạn nên phải nộp hồ sơ đăng ký từ rất sớm (hạn nhận hồ sơ thường kết thúc vào tháng 5). Giá thuê nhà thường rẻ hơn nhiều so với những hình thức thuê nhà khác tuy nhiên phòng khá nhỏ (9-20m2) và có thể sẽ dùng chung nhà vệ sinh và bếp với các phòng khác.● Ở trong ký túc xá tư nhân: Một lựa chọn thay thế nếu như bạn không đặt được phòng tại CROUS. Giá thuê thường sẽ cao hơn nhưng vẫn rất hấp dẫn. Lợi ích đi kèm: môi trường tập thể, phòng được trang bị đầy đủ, internet, máy giặt,… | ● Collocation (ở ghép): Thuê 1 phòng ngủ trong căn hộ hộ lớn với các không gian sinh hoạt chung. Mỗi người có 1 phòng ngủ riêng, mọi người dùng chung nhà tắm, phòng khách, nhà vệ sinh và nhà bếp● Studio: Thuê riêng 1 phòng có nhà bếp phòng ngủ, nhà vệ sinh tích hợp. Giá đắt nhất trong 3 loại nhưng lại đảm bảo riêng tư nhất.● Nhà của người bản địa: Thuê 1 phòng trong nhà của người bản địa, nghĩa là có phòng riêng cho mình, còn những phòng khác dùng chung với chủ nhà. Đây là một hình thức rất tốt và hợp lý cho các bạn muốn thực hành tiếng Pháp và học hỏi về văn hóa Pháp. |
b. Những thông tin cần biết lúc thuê nhà tư nhân:
Khi tìm thuê nhà, đặc biệt là nhà tư nhân, các bạn hãy lưu ý những từ khóa sau để tìm được nhà ở phù hợp:
– Meublé ou non meublé:
● Meublé: nhà có sẵn đồ đạc (bàn tủ, ghế, giường …) để bạn chỉ dọn tới và ở.
● Non meublé: nhà trống (chỉ có những đồ cố định như bếp, nhà vệ sinh, …) và bạn sẽ tự mua tất cả các dụng cụ trong nhà. Thường thì thuê nhà non meublé sẽ rẻ hơn và bạn có thể xin được trợ cấp thuê nhà (CAF) nhiều hơn, nhưng bù lại phải tốn tiền mua nội thất trong nhà. Nhà non meublé thường hợp cho các bạn có ý định thuê lâu dài.
– Charge :
Chi phí nhà ở thường sẽ được ghi trong giá tiền thuê nhà. Thông thường nếu không ghi cụ thể hoặc ghi CC (charges comprises) thì chỉ bao gồm phí cơ bản (charges locatives) như phí đổ rác, bảo trì khu vực chung và không bao gồm giá điện nước và internet.
– Caution / dépôt de garantie:
Khi ký hợp đồng nhà, ngoài tiền thuê nhà tháng đầu tiên, bạn phải ký séc hoặc đóng tiền đặt cọc tầm khoảng 1-2 tháng tiền nhà cho chủ nhà. Số tiền này để phòng khi bạn có làm hư hại nhà cửa thì chủ nhà sẽ khấu trừ. Sau khi bạn trả nhà, nếu không có vấn đề gì thì bạn sẽ được hoàn lại số tiền này.
– Etat des lieux:
Hôm kí hợp đồng nhà thì bạn và chủ nhà sẽ làm Biên bản hiện trạng nhà ”Etat des lieux” để kiểm tra và ghi chép lại tình trạng của các nội thất và thiết bị trong căn nhà. Khi trả nhà, bạn cùng với chủ nhà sẽ làm một biên bản hiện trạng nhà trả “Etat de sortie” và “Etat des lieux” sẽ được đem ra đối chiếu lại tình trạng nhà cùng các vật dụng. Nếu có hư hỏng gì so với bạn đầu thì bạn phải chịu trách nhiệm sửa chữa hoặc trừ vào tiền đặt cọc. Vì thế các bạn nên để ý và kiểm tra cẩn thận tình trạng nhà trước lúc thuê.
c. Giấy tờ và thủ tục
Các loại giấy tờ cần thiết để làm thủ tục thuê nhà bao gồm:
● Giấy tờ tùy thân
● Chứng minh tài chính hoặc giấy tờ bảo lãnh
● Giấy tờ nhà trước đó
● Bảo hiểm nhà ở
● Một vài giấy tờ khác có thể không bắt buộc (thẻ học sinh, bản khai thuế,…)
d. Chứng minh tài chính
Bạn cần chứng minh là mình đủ khả năng chi trả tiền thuê nhà và chủ nhà sẽ nghiên cứu hồ sơ của bạn rất kỹ trước khi quyết định cho bạn thuê nhà vì theo luật Pháp thì rất khó để chủ nhà có thể đuổi người thuê nhà ra khỏi nhà.
Nếu bạn là sinh viên thì để thuê được nhà bạn phải có người bảo hộ (garant) có thu nhập ổn định để bảo đảm cho việc trả tiền thuê nhà hằng tháng cho bạn.Với các bạn vị thành niên (mineur) thì bắt buộc phải có người bảo hộ.
Ngoài ra, chính phủ Pháp hỗ trợ bảo lãnh hoàn toàn miễn phí cho những người từ 18-30 tuổi hoặc đã đi làm được trên 30 năm qua dịch vụ Visale (www.visale.fr). Đây là một lựa chọn vô cùng thích hợp cho các bạn sinh viên.
e. Bảo hiểm nhà ở
Bảo hiểm nhà ở là một loại bảo hiểm bắt buộc khi thuê nhà ở Pháp. Bảo hiểm nhà có thời điểm bắt đầu từ khi hợp đồng thuê nhà bắt đầu, hoặc từ ngày bạn mua nếu chủ nhà đồng ý cho bạn mua sau khi đã bắt đầu hợp đồng.
Để tránh vấn đề khi bồi thường bảo hiểm, thông tin trên hợp đồng bảo hiểm phải chính xác với hợp đồng nhà và các giấy tờ khác.
Khi chuyển nhà, bạn có thể chỉ cần đổi địa chỉ nhà qua hãng bảo hiểm mà không cần làm lại hồ sơ. Tuỳ vào những thay đổi về diện tích và số phòng mà giá bảo hiểm có thể thay đổi.
6.2. Phương tiện giao thông:
a. Phương tiện công cộng:
Tại hầu hết các thành phố thủ phủ của các tỉnh, giao thông công cộng được đảm bảo bằng mạng lưới xe buýt hoặc tàu điện. Vé đi tàu được bán lẻ hoặc bán theo tập 10 vé, giá vé tùy thuộc vào mỗi thành phố và dao động từ 1 đến 1,5€ một vé.
b. Ô tô cá nhân
Nếu bạn có bằng lái xe được cấp bởi quốc gia không nằm trong châu Âu, bạn vẫn có thể sử dụng trong thời gian học tập tại Pháp với điều kiện phải đính kèm bản dịch công chứng hoặc bằng lái quốc tế.
Trong thành phố, vận tốc tối đa được quy định là 30 hoặc 50 km/h !
c. Xe đạp
Tại hầu hết các thành phố lớn đều có hệ thống cho thuê xe đạp (hoàn toàn tự động). Để sử dụng dịch vụ này bạn sẽ cần đăng ký với giá từ 15 đến 30€/ năm.
d. Taxi
Tại Pháp, giá taxi cao hơn Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên bạn có thể sử dụng Uber – có mặt hầu hết ở các thành phố lớn (không có Grab ở Pháp).
e. Máy bay
Cũng như cũng bus, tàu, trước thời điểm du lịch các hãng hàng không sẽ có những đợt khuyến mãi với mức giá phù hợp với các bạn sinh viên. Đối với các tuyến đường nội địa, di chuyển bằng tàu thường rẻ hơn so với máy bay.
6.3. Quản lý chi tiêu
Khi làm thủ tục xin cấp thị thực sinh viên, bạn sẽ được yêu cầu chứng minh tài chính ở mức 7380 €, tương ứng với phí sinh hoạt tại Pháp trong một năm.
- Học phí : từ 2770€ đến 3770€ trong hệ thống trường công lập, và từ 3000€ đến 10000€ trong một trường tư thục một năm
- Phí đóng góp xây dựng môi trường học tập và đời sống sinh viên (CVEC) : 90€ một năm
- Thuế nhà ở và phí truyền hình : từ 400€ đến gần 1000€, mức phí tùy thuộc vào thành phố nơi bạn sống.
Chi phí sinh hoạt ước tính hàng tháng sau đây (lưu ý: chưa bao gồm các khoản phí đóng 1 năm (học phí, thẻ ưu đãi,…) cũng như phí vui chơi, shopping và trà sữa cuối tuần):
Nhà ở: ● Crous: 250 – 350 € ● Colocation: 250 – 400 € Studio: 400 – 600 € (Paris: 700-900€) ● Nhà ở của người bản địa: thường rất rẻ hoặc miễn phí Có thể được nhận trợ cấp nhà ở (CAF) khoảng 12-27% tiền thuê nhà (120-200€) | Chi phí nhà khác: ● Điện và/hoặc gas: 30 – 40€ ● Nước: 100€/ năm ● Bảo hiểm nhà ở: 50-100 €/năm |
Sinh hoạt: Ăn uống: 100 – 200 € Các bữa ăn tại nhà ăn sinh viên RU có giá 3,25 €/bữa | Đi lại:Thẻ đi lại trong thành phố: 10 – 40 €Thường mua theo năm hoặc tháng và có ưu đãi cho sinh viên hoặc dưới 26 tuổi |
Internet/điện thoại: Thuê bao internet: 10 – 30 € Cước phí điện thoại: 2€ – 20€ Có thể đăng ký gói gộp cả 2 loại: 15 – 40 € | Khác:Bảo hiểm bổ sung: 10 – 25 € (không bắt buộc và giá tùy các gói) |
Dưới đây là giá cả của một số thực phẩm cơ bản :
1 chiếc bánh mì baguette : 1€
1 chiếc bánh sừng bò : 1,10€
1 kg pa-tê : 1,50€
1 lít sữa : 1,20€
6 quả trứng : 1,50€
1 tách cà phê trong quán bar hoặc nhà hàng : 2€
1 bữa ăn nhanh (fastfood) : 7€
1 bữa ăn nhà hàng : từ 10 đến 20€
1 chiếc sandwich ở hiệu bánh và 1 thức uống : từ 5 đến 8€
6.4. Bảo hiểm xã hội
a. Bảo hiểm y tế
Đăng ký bảo hiểm xã hội là bắt buộc và hoàn toàn miễn phí đối với sinh viên mọi quốc tịch. Bạn chỉ cần đăng ký, gửi các giấy tờ tùy thân (visa, số tài khoản ngân hàng, giấy khai sinh) lập tài khoản xin carte vitale và chọn một bác sĩ trong lần khám đầu tiên.
Tại Pháp, các bác sĩ được tự do đưa ra mức phí khám bệnh mà họ muốn. Để tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe của mình, bạn hãy ưu tiên các bác sĩ « theo diện 1 » (conventionné de secteur 1), họ áp dụng phí khám sức khỏe được bảo hiểm xã hội hoàn lại gần như toàn bộ. Bạn sẽ không phải trả phí quá cao và được hoàn lại nhiều hơn. Nếu đi khám bác sĩ ở trung tâm y tế của trường, bạn sẽ được khám miễn phí.
Dưới đây là một số ví dụ về chi phí khám sức khỏe ở « diện 1 » và phần được hoàn lại bởi bảo hiểm xã hội :
Đi khám bác sĩ đa khoa : 25€ (được hoàn lại 16,50€) ;
Đi khám bác sĩ chuyên khoa : 25€ (được hoàn lại 16,50€) ;
Đi khám bác sĩ phụ khoa, bác sĩ nhãn khoa : 30€ (được hoàn lại 20€) ;
Đi khám bác sĩ nha khoa : 30€ (phần được hoàn lại tuỳ thuộc vào loại chữa trị).
b. Bảo hiểm rủi ro nhà ở
Nhà ở cũng cần được bảo hiểm: mất trộm, hỏa hoạn hay rò nước… Bảo hiểm có giá trọn gói, thường mua qua các hợp đồng ở các công ty tư nhân. Bảo hiểm đa rủi ro nhà ở bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm nhân sự, chi phí tổn thất do một bên thứ ba gây ra.
6.5. Việc làm
Bạn có thể làm việc khi đang là sinh viên ở Pháp bất kể trình độ học vấn hoặc quốc tịch của bạn để hỗ trợ phần nào chi phí sinh hoạt. Ở Pháp, với thị thực dài hạn sinh viên, bạn có thể làm việc tới 60% thời gian lao động quy định ở Pháp !
Ở Pháp có quy định về mức lương tối thiểu, SMIC (Mức lương tối thiểu) tương đương với 10,25€ (cập nhật ngày 01/01/2021) trước thuế (tức là trước khi khấu trừ các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc, khoảng 20%) trên một giờ làm việc.
Thông thường, các trường đại học hay có các việc làm thêm cho sinh viên như làm ở bộ phận thư kí, thư viện, bộ phận trực, căng tin … Có rất nhiều lựa chọn !
Trong một số trường, nếu bạn học ở bậc Thạc sĩ hay Tiến sĩ, bạn còn có thể làm thực tập giảng dạy, trợ giảng cho các giảng viên hay thậm chí dạy thêm các khóa học.
Các hội sinh viên thường có các thông báo tuyển dụng các công việc làm thêm sinh viên như trông trẻ, gia sư v.v…
Các lĩnh vực khác cũng hay tuyển dụng như :
- Dạy học : phần lớn các sinh viên Pháp thường làm gia sư hoặc dạy tiếng cho các học sinh tiểu học, THCS hay THPT. Có rất nhiều trung tâm môi giới gia sư (như Acadomia hay Anacours). Nếu bạn không muốn tìm qua trung tâm (các trung tâm này có tính phí) bạn có thể tự tìm khách hàng và yêu cầu được trả bằng séc dịch vụ việc làm (chèque emploi service)
- Bán hàng : hãy xem các thông báo tuyển dụng trên mặt tiền của các cửa hàng, bạn có thể làm thêm với nghề bán hàng
- Các công việc chăm sóc : ví dụ như trông trẻ hay giúp đỡ người già ở các viện dưỡng lão
- Các công việc khách sạn & nhà hàng : bạn có thể làm việc ở quầy lễ tân khách sạn hay phục vụ trong các quán bar, quán cà phê. Bạn cũng có thể xin việc trong các chuỗi nhà hàng ăn nhanh như McDonald, Quick, KFC…
- Du lịch : nếu bạn không nói tiếng Pháp, bạn hoàn toàn có thể làm hướng dẫn viên du lịch bằng tiếng Anh cho các công ty du lịch.
6.6. Cuộc sống thường nhật
a. Nhịp sống:
Tuần làm việc tại Pháp được quy định là 35 giờ với giờ giấc thay đổi theo từng nghề, thường đối với các văn phòng sẽ là từ 9 giờ đến 12 giờ 30 và từ 14 giờ đến 18 giờ. Cần lưu ý rằng giờ nghỉ trưa ở Pháp có vị trí rất quan trọng: rất ít nơi mở cửa trong khoảng “mười hai giờ trưa và hai giờ chiều”.
Tại Pháp, có 3 bữa ăn chính trong một ngày. Bữa sáng từ 8 giờ, bữa trưa từ 12 giờ đến 13 giờ, bữa tối rơi vào khoảng 20 giờ. Đối với trẻ em, có thêm một bữa ăn nhẹ vào khoảng 16 giờ.
Thời gian nghỉ cuối tuần kéo dài từ thứ 7 tới chủ nhật. Năm mới bắt đầu vào tháng một và năm học bắt đầu vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 6.
b. Các kỳ nghỉ và ngày lễ:
Lịch học cụ thể tùy thuộc vào mỗi một cơ sở đào tạo.
- Năm học mới thường bắt đầu vào tháng chín: Các khóa học thường bắt đầu vào giữa hoặc cuối tháng chín. Năm học được chia làm hai học kỳ: tháng 9 – tháng 1 (kỳ 1) và tháng 2 – tháng 6 (kỳ 2).
- Kỳ 1: nghỉ lễ Toussaint (1 tuần cuối tháng 10), nghỉ Noel (2 tuần cuối tháng 12), các lớp học mở cửa lại và sau đó là kỳ thi (nửa sau của tháng 1), sau kì thi có thể có một tuần nghỉ giữa 2 kỳ.
- Kỳ 2: 1 tuần nghỉ lễ mùa đông vào cuối tháng 2, 2 tuần nghỉ vào tháng 4 (lễ Phục sinh), sau đó là thi học kỳ 2 vào tháng 6.
- Ngoài ra sẽ có thêm 11 ngày nghỉ lễ của năm dương lịch: ngày mùng 1 tháng 1, ngày mùng 1 tháng 5, mùng 8 tháng 5, 14 tháng 7, 15 tháng 8, mùng 1 tháng 11, 11 tháng 11, 25 tháng 12, thứ 2 của lễ Phục sinh trong tháng 4, thứ 5 của lễ Ascension (Chúa lên trời) trong tháng 5, thứ 2 của lễ Pentecôte vào tháng 5 hoặc tháng 6.
c. Ứng xử văn hóa:
Người Pháp rất coi trọng phép lịch sự. Khi học tại Pháp, bạn nên biết một số quy tắc sau:
- Cần đúng giờ khi đi học và trong các cuộc hẹn.
- Không sử dụng điện thoại trong giờ học và tại các địa điểm cần sự yên tĩnh (thư viện, nhà hàng, xe bus…). Bạn cần phải đặt điện thoại ở chế độ im lặng hoặc rung trong giờ học.
- Người Pháp sử dụng rất nhiều các từ như “xin chào” (bonjour) và “tạm biệt” (au revoir) để chào hỏi nhau (trong giờ học, các cửa hàng, giữa bạn bè với nhau…) và khi yêu cầu một điều gì đó cần phải nói “xin vui lòng” (s’il vous plait), “cảm ơn” (merci) và “xin lỗi” (pardon hay excusez-moi).
- Nên thông báo trước với giáo viên nếu bạn phải vắng mặt trong một buổi học đặc biệt là với những buổi học có ít học viên tham gia (giờ thực hành, giờ làm bài tập, các buổi học tại các lớp IUT, Master..)
- Không cần thiết phải mặc những bộ đồ trang trọng khi đi học nhưng nên bỏ mũ khi vào lớp.
- Không nên ăn trong giờ học nhưng thường thì những đồ uống dưới dạng lon hoặc chai có nắp đều có thể sử dụng.